Hệ thống xử lý nước thu hồi từ dây chuyền sản xuất đá của nhà máy. Nước sản xuất được thu gom từ hệ thống thiết bị máy cắt, mài đá được xử lý, cân bằng và làm trong nước để tái sử dụng, tiết kiệm chi phí cho sản xuất và có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chí của cơ chế sản xuất sạch hơn (SXSH), cũng như những yêu cầu của Pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công nghệ ứng dụng vào xử lý nước thải nhà máy sản xuất đá công nghiệp
Nước thải từ dây chuyền sản xuất được thu gom qua hệ thống đường ống cống về khu vực xử lý. Từ đây nước được lần lượt đi qua các công đoạn xử lý:
+ Bể lắng cát:
Bể lắng cát có nhiệm vụ loại bỏ các cặn, rác, đất, cát có kích thước lớn từ dây chuyền sản xuất. Nhờ có bể lắng cát, nước được làm trong một phần và các cặn lớn được tách ra trước tiên. Bể lắng cát được thiết kế dạng Cyclon (Bể lắng cát đứng), xây dựng bằng bê tông cốt thép, bao gồm 02 bể hoạt động song song. Phía dưới mỗi bể bố trí các bơm cát chuyên dụng để bơm cát ra sân phơi. Phần nước trong được thu gom và dẫn sang công đoạn xử lý tiếp theo.
+ Bể điều hòa:
Thu gom và điều hòa nồng độ cũng như lưu lượng nước thải. Bể điều hòa giúp cho hệ thống xử lý nước hoạt động ổn định hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, giảm diện tích cần thiết của hệ thống xử lý. Trong bể điều hòa bố trí các máy khuấy chìm để khuấy trộn nước thải tránh lắng cặn.
+ Bể trung hòa:
Được thiết kế để hòa trộn nước thải với các hóa chất trung hòa pH. Bể trung hòa gồm 2 khoang: Trộn và Phản ứng. Tùy theo chỉ số pH trong nước thải hệ thống sẽ tự động bơm hóa chất phù hợp vào để giữ cho pH của nước luôn ổn định.
+ Bể phản ứng:
Sau khi trung hòa, nước thải được dẫn sang bể phản ứng. Tương tự, bể phản ứng cũng bao gồm hai khoang: Trộn và phản ứng. Khoang trộn có các khoang đục lỗ nhằm tăng khả năng hòa trộn đều giữa dung dịch PAC (phèn) và nước thải. Khoang phản ứng dạng zic zắc nằm ngang nhằm tạo điều kiện cho các bông cặn hình thành và tăng về kích thước, khối lượng.
+ Bể lắng ly tâm:
Nước thải sau khi được trung hòa và trộn hóa chất keo tụ PAC, hình thành các bông cặn lớn được đưa sang bể lắng ly tâm. Bể lắng ly tâm là bể lắng cho hiệu suất lắng cao nhất trong các bể lắng hiện nay. Bể lắng ly tâm giữ lại các bông cặn, làm trong nước. Phần bùn cặn giữ lại được bơm sang bể nén bùn, nước trong được thu gom trên bề mặt và đưa về bể chứa nước tái sử dụng, từ đây nước sau xử lý được bơm trở lại dây chuyền sản xuất. Bể lắng ly tâm dạng tròn, được xây dựng bằng bê tông cốt thép.
+ Bể chứa nước sau xử lý:
Bể được xây dựng bằng bê tông cốt thép, trong bể bố trí 02 bơm chìm để bơm nước về dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
+ Bể nén bùn:
Bùn cặn từ bể lắng ly tâm được bơm về bể nén bùn dạng bể nén đứng, xây dựng bằng bê tông cốt thép. Bùn vào bể có độ ẩm khoảng 99%, sau khi qua bể nén bùn có độ ẩm từ 97 – 98%. Nước trong được tự chảy về bể điều hòa để tái xử lý.
+ Máy ép bùn:
Cụm thiết bị máy ép bùn dạng bang tải được sử dụng để làm khô bùn, dễ dàng chôn lấp, giải quyết vấn đề xử lý bùn loãng của nhà máy. Máy ép bùn được lựa chọn từ các hãng có uy tín trên thị trường và giá thành tốt.