Công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt là một trong những công nghệ xử lý nước thải sinh học lâu đời nhất. Nó vẫn còn được áp dụng vì tính kinh tế, hiệu suất xử lý hiệu quả và nhu cầu năng lượng thấp. Bể lọc sinh học nhỏ giọt là công trình trong đó nước thải được lọc qua lớp vật liệu hay giá thể cố định và không ngập nước.
Ưu và nhược điểm của hệ thống xử lý nước bằng công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt
Ưu điểm
- Chi phí điện năng thấp.
- Thiết bị đơn giản nên vận hành, bảo dưỡng dễ dàng, không đòi hỏi chuyên môn cao.
- Tái tuần hoàn nước thải từ bể lắng để pha loãng sốc tải. Đồng thời bể lọc có thể chịu được sự thay đổi bất thường về tải trọng hữu cơ, có khả năng xử lý và phục hồi sốc tải.
- Bùn phát sinh từ bể lọc sinh học chủ yếu là chất nhờn sinh học, loại bùn này dễ lắng và dễ làm khô.
- Thời gian khởi động ngắn (khoảng 2 tuần) do hầu hết sinh khối sinh ra đều được tích lũy trên giá thể. Nhờ vậy việc khôi phục và vận hành rất nhanh nếu xảy ra sự cố.

Một sơ đồ hệ thống xử lý nước thải
Nhược điểm
- Vật liệu lọc dễ bị nghẹt.
- Quá tải hữu cơ hoặc thông khí không đầy đủ có thể dẫn đến sự phân hủy kị khí trong môi trường lọc sinh ra mùi.
- Màng sinh học dính bám có tính linh động thấp, khó điều chỉnh chính xác lượng sinh khối trong bể so với sinh trưởng lơ lửng khi cần tăng tải trọng nhanh.
- Dễ phát sinh ruồi và các côn trùng khác nếu không được bảo quản hoặc độ ẩm của bể lọc không đủ.